Đình Ngọc Uyên (phường Ngọc Châu) là một trong số ít ngôi đình ở TP Hải Dương còn lưu giữ được nhiều cổ vật và nghệ thuật kiến trúc chạm khắc gỗ có giá trị cao. Đình được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1994.
Đình Ngọc Uyên mang tên của làng Ngọc Uyên, xã Ngọc Châu xưa. Đình thờ hai danh tướng Lê Viết Hưng và Lê Viết Quang là hai người con của quê hương có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước.
Một số cụ cao tuổi ở khu dân cư số 12, phường Ngọc Châu cho biết theo cuốn ngọc phả hiện lưu tại di tích, thân phụ của hai vị thành hoàng là Lê Viết Đức, thân mẫu Bùi Thị Nguyên, quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Nhà nghèo, ông bà cùng nhau rời bỏ quê hương, gặp mảnh đất Ngọc Uyên màu mỡ trù phú nên đã sinh sống ở đây. Ông bà sinh hạ Lê Viết Hưng và Lê Viết Quang. Hai người lớn lên với tướng mạo khôi ngô, cao lớn, quắc thước khác thường, học hành thông minh.
Cùng với nhân dân trong cả nước, dân làng Ngọc Uyên đã đóng góp nhiều nhân tài, vật lực giúp nhà Đinh dẹp loạn 12 sứ quân. Trong số những người đi theo Đinh Bộ Lĩnh có hai anh em Lê Viết Hưng, Lê Viết Quang. Hai anh em họ Lê đã giúp Đinh Bộ Lĩnh trấn giữ vùng châu thổ và đánh thắng nhiều trận. Chính vì có công lao với đất nước, sau khi mất hai ông được triều đình phong tước, dân làng tôn làm thành hoàng và lập đình thờ. Đức Thánh cả Lê Viết Hưng được phong Đương cảnh Thành hoàng Quan hà Đại vương "Tả đạo binh nhung kiêm tham tán mưu sự". Đức Thánh hai Lê Viết Quang được phong Đương cảnh Thành hoàng Đinh triều "Thái bảo tiền quân".
Đình Ngọc Uyên được khởi dựng vào thời kỳ nào đến nay chưa có cơ sở để kết luận chính xác, chỉ biết ngôi đình trước đây ở giữa làng. Khu đất này trũng và hẹp nên tháng 4.1849, dân làng đã di dời ngôi đình đến vị trí đắc địa hiện nay, sau đó trùng tu mở rộng đình. Di tích trước đây rộng khoảng 4.000 m2. Do dân cư ngày càng đông, di tích ngày càng hẹp lại. Hiện khu vực nội tự chỉ rộng 755 m2.
Đình được làm theo kiến trúc hình chữ Quốc gồm đình ngoài 5gian, 2 dãy dải vũ mỗi bên 3 gian và 3 gian hậu cung. Kiến trúc đình được người dân bảo tồn khá nguyên vẹn. Hệ thống cửa đình ngoài làm theo kiểu bức bàn, các vì làm theo kiểu con chồng đấu sen. Hệ thống cột bằng gỗ lim, mái lợp ngói ta... Nghệ thuật chạm khắc mang đậm phong cách truyền thống với long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai... Các bức chạm gỗ tại đình Ngọc Uyên là những tác phẩm nghệ thuật dân gian có giá trị.
Ông Vũ Ngọc Sang (75 tuổi) ở khu 12, phường Ngọc Châu cho biết trong những năm qua chính quyền địa phương và nhân dân rất quan tâm bảo tồn, gìn giữ các hiện vật, cổ vật có giá trị lịch sử hàng trăm năm, gắn liền với ngôi đình như 12đạo sắc phong, quả chuông đồng đường kính 0,4 m, cao 0,6 m đúc vào năm 1915. Ngoài ra còn 17 bia đá cổ ghi tên những người công đức tiền để tu bổ di tích. Cùng với hệ thống bia ký, các đạo sắc phong còn được lưu giữ tại đình Ngọc Uyên là những văn bản Hán Nôm có giá trị về mặt lịch sử và xã hội học. Ngôi đình còn có nhiều đồ tế tự cổ bằng gỗ có giá trị như nhang án thờ tại đình ngoài, bộ kiểu long đình, 2 bộ kiệu bát cống, 1 bức đại tự...
Lễ hội đình Ngọc Uyên xưa được tổ chức từ ngày 14-17 tháng giêng. Phần lễ có nghi thức rước kiệu đi vòng quanh làng. Phần hội có các trò chơi dân gian như chọi gà, đánh vật, kéo co, đua thuyền, hát chèo... Ngày nay, lễ hội vẫn giữ nguyên nghi thức truyền thống nhưng từ năm 1994 lễ rước kiệu chỉ tổ chức 5 năm/lần. Phần hội có các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ giữa các khu dân cư, hát chèo, dân ca… thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, đình Ngọc Uyên được chính quyền và nhân dân địa phương luôn quan tâm giữ gìn và tu bổ. Năm 1994, đình Ngọc Uyên đã được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2003 đình xuống cấp trầm trọng, toàn bộ nóc mái bị võng nên mỗi khi trời mưa là dột. Nhân dân đã đóng góp khoảng 200 triệu đồng để tu sửa. Năm 2012, nhân dân đóng góp gần 1 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng để xây lại 3 gian hậu cung nhưng vẫn giữ phần kết cấu gỗ cổ. Đến năm2019, nhân dân trong phường đóng góp khoảng 1 tỷ đồng để xây dựng lại đền Trung thờ thân mẫu, thân phụ 2 Thành hoàng làng. Đầu năm nay, nhân dân tiếp tục công đức, đóng góp hơn 220 triệu đồng để sơn son thếp vàng toàn bộ đại tự, câu đối, hoành phi, thay ngưỡng cửa mới…